Thừa 20 phút thời gian làm bài thi toán, Bùi Phi Long vẽ chân dung một cô gái, nhận hàng chục nghìn lượt thích trên mạng xã hội.
Bức tranh được Phi Long vẽ hôm 28/6, khi làm bài thi toán kỳ thi tốt nghiệp THPT. “Em xét tuyển đại học tổ hợp môn năng khiếu nên không quá đặt nặng thành tích toán. Lúc ấy, em đã làm được 30 câu, phần còn lại khá khó nên em dừng lại. Vì buồn ngủ vì phải dậy sớm, em mơ hồ hình dung ra một gương mặt. Ngoài ra, em lấy một phần cảm hứng vẽ tranh từ một bạn nữ trong phòng thi”, Phi Long nói.
Bức tranh sau đó được Long đăng trên một nhóm dành cho học sinh Hà Nội, hút 16.000 lượt thích, nhiều bình luận khen đẹp, có hồn.
Phi Long sinh năm 2005, là học sinh THPT Đống Đa. Năm nay, cậu có nguyện vọng xét tuyển vào ngành Hội họa hoành tráng, khoa Trang trí nội ngoại thất, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Trước buổi thi năng khiếu sáng 2/7, Long nói: “Nhiều người nghĩ em vẽ đẹp thế sẽ đỗ thôi, nhưng tranh đi thi và tranh tự sáng tạo khác nhau khá nhiều, bởi bài thi yêu cầu tính chuyên môn cao hơn, trong khi em là típ người bay bổng, ít theo khuôn mẫu. Hơn nữa, thí sinh thi mỹ thuật năm nay khá đông, tỷ lệ chọi cao”.
Phi Long thích hội họa từ nhỏ, chủ yếu tự mày mò vẽ phong cảnh. Từ năm lớp 11, cậu bắt đầu học vẽ chuyên nghiệp nhưng do dịch, Phi Long học online, làm quen với việc vẽ cơ bản. Khoảng hơn một năm trở lại đây, Long mới học trực tiếp ở lớp luyện thi, biết vẽ chân dung.
“Ban đầu, em học chép tranh để gom cho mình vốn kiến thức mỹ thuật cơ bản. Sau đó, để có phong cách riêng, em đưa cảm quan, góc nhìn cá nhân vào tranh. Hiện tại, em theo đuổi phong cách realistic (tả thực) hoặc bán tả thực”, Phi Long nói.
Trong ba năm phổ thông, Long vẽ khoảng 500 bức tranh nhiều thể loại như chân dung, tĩnh vật, con vật, phong cảnh. Long tâm đắc nhất bức cực quang trên đỉnh núi, mất khoảng tám tiếng hoàn thành.
Cậu hâm mộ họa sĩ Hà Lan Van Gogh, từng vẽ lại nhiều tranh của ông. Với Phi Long, tranh của danh họa sống động như một thước phim quay chậm, tiêu biểu là bức Đêm đầy sao.
Nam sinh tìm cảm hứng sáng tác từ nhiều hoạt động trong cuộc sống như ngắm cảnh, xem phim, nghe nhạc. Có lần, sau khi nghe bài hát Nàng thơ của ca sĩ Hoàng Dũng, cậu vẽ chân dung một cô gái trong trẻo, mộng mơ với chất liệu màu nước.
“Theo em, việc vẽ tranh, một mặt để thỏa mãn nhu cầu của người tạo ra tác phẩm, mặt khác nhằm lan tỏa cái đẹp, tình yêu hội họa tới những người thưởng thức. Nhờ vẽ tranh, em cảm thấy mình có ích, yêu đời hơn”, Phi Long cho biết.
Hà Thu/VnExpress